Để nhiên liệu sinh học đi vào cuộc sống

Triển khai Quyết định 177 của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" (Đề án 177) nhằm phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH), một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển chung trên thế giới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đi đầu trong việc hiện thực hóa đề án, tập trung xây dựng kế hoạch và chương trình triển khai các dự án sản xuất NLSH

untitledTriển khai Quyết định 177 của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" (Đề án 177) nhằm phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH), một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển chung trên thế giới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đi đầu trong việc hiện thực hóa đề án, tập trung xây dựng kế hoạch và chương trình triển khai các dự án sản xuất NLSH. Quá trình này còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần có một cơ chế, chính sách phù hợp để NLSH đi vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Sinh Khang, Phó TGĐ PVN cho biết: Tập đoàn đã đầu tư 3 Nhà máy sản xuất cồn sinh học làm nguyên liệu cho pha chế xăng sinh học tại các tỉnh Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước với tổng công suất 300 triệu lít/năm. Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các dự án NLSH và giao cho TCT Dầu Việt Nam (PV Oil), TCT Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC) - thành viên của Tập đoàn triển khai thí điểm việc kinh doanh xăng E5.
Kết quả bước đầu
Hiện cả 3 Dự án NLSH tại Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước với tổng công suất 300 triệu lít cồn/năm, tổng mức đầu tư 270 triệu USD đều đang đẩy nhanh tiến độ để sớm có sản phẩm đưa vào thị trường. Nguyên liệu sử dụng cho 3 nhà máy trên 750 nghìn tấn/năm sắn lát. Chủ đầu tư là các Công ty cổ phần do các đơn vị thành viên của PVN, Ngân hàng SEABANK, Công ty Itochu (Nhật Bản). Sản phẩm của các nhà máy bao gồm Ethanol, phân vi sinh hoặc thức ăn cho gia súc, CO2 thực phẩm, bio-gas metan. Dự án NLSH Phú Thọ, Quảng Ngãi sẽ vận hành thương mại vào tháng 11 năm 2011; Dự án Bình Phước hoàn thành vào quý 2 năm 2012.
Xác định nguyên liệu là yếu tố đầu vào quyết định sự vận hành ổn định, hiệu quả của Nhà máy, PVN đã chỉ đạo các nhà máy xây dựng kế hoạch thu mua và phát triển vùng nguyên liệu (VNL) sắn lát cung cấp cho các dự án. Ký hợp đồng thu mua với các doanh nghiệp (DN) cung cấp sắn trong nước. Xây dựng đề án phát triển VNL sắn tại các địa bàn gần Nhà máy. Đến nay, Dự án NLSH Phú Thọ đã trồng được trên 1000ha giống sắn KM34 năng suất trên 30 tấn/ha, không gây hại cho tài nguyên đất, nước và tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người nông dân. Để thúc đẩy việc hình thành thị trường NLSH, năm 2010 PVOil và PETEC triển khai phân phối kinh doanh xăng E5 tại một số tỉnh thành trong cả nước. PVN đã đầu tư cải tạo xe bồn vận chuyển xăng E5, 4 trạm pha chế, sửa chữa 38 trạm, cửa hàng xăng dầu tại 12 tỉnh trên cả nước; xin cấp chứng chỉ hợp quy sản phẩm, tuyên truyền quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng, chi phí hỗ trợ ban đầu để thu hút đại lý/Tổng đại lý giảm giá bán lẻ để khuyến khích người tiêu dùng. Tập đoàn đã có Công văn gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiến nghị một số cơ chế chính sách ưu đãi để hỗ trợ đầu tư sản xuất Ethanol, phát triển VNL, hỗ trợ nông dân trồng sắn cũng như tiêu thụ xăng E5. Đến nay, mới nhận được một số ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất Ethanol như : Không thu thuế môi trường với xăng Ethanol và áp dụng thuế xuất khẩu bằng "O"
Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi
Hiện giá thành sản xuất NLSH thường bằng hoặc cao hơn giá xăng thông thường và phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu đầu vào của nông dân. Theo Đề án 177, các dự án NLSH được xếp vào danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư, nhưng khi áp dụng còn nhiều vướng mắc như: Mới chỉ áp dụng cho doanh nghiệp (DN) sản xuất NLSH mà không áp dụng cho DN kinh doanh, pha chế và phân phối xăng E5, trong khi việc phân phối đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ, quyết định tới khâu sản xuất. Do đặc tính kỹ thuật, xăng E5 cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho pha chế, lưu trữ và phân phối, nhưng chi phí khá lớn, cần đầu tư khoảng 90 triệu đồng/cửa hàng xăng dầu với 3 cột bơm và khoảng 3,2 tỷ đồng/ hệ thống phối trộn tại Tổng kho. Với thị phần và năng lực hiện tại, nếu đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất tối đa, PVOil, PETEC cũng chỉ có khả năng phân phối 2,37 triệu m3 chiếm khoảng 50% sản lượng xăng E5 dự kiến sản xuất, 50% lượng xăng E5 còn lại phải được phân phối bởi các đơn vị kinh doanh khác. Thị trường xăng E5 trong nước chưa hình thành, người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng; để tuyên truyền quảng bá, nâng cao ý thức của người dân sử dụng NLSH cần có sự hỗ trợ của Chính phủ cả về tài chính và pháp luật.
Phát triển NLSH là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng, PVN đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành liên quan xem xét hỗ trợ việc hình thành thị trường tiêu thụ xăng sinh học: Chính phủ sớm ban hành Lộ trình bắt buộc sử dụng xăng E5 trong phạm vi toàn quốc và xem xét lộ trình đưa xăng E10 vào thị trường tiêu thụ để các DN kinh doanh NLSH chủ động đầu tư hệ thống tồn trữ, vận chuyển, phân phối và quảng cáo tiếp thị. Trong khi thị trường NLSH ở Việt Nam chưa hình thành, cần miễn 100 % phí xăng dầu đối với xăng E5 trong năm 2011 khi Luật Thuế Bảo vệ môi trường chưa có hiệu lực. Miễn Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông. Đối với các nhà sản xuất Ethanol nhiên liệu và người nông dân cần quy hoạch đủ quỹ đất để phát triển VNL. Bộ NN&PTNT nghiên cứu các loại giống sắn mới chất lượng tốt, kỹ thuật canh tác hiện đại để chuyển giao cho nông dân áp dụng, nâng cao năng suất.Các Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu xây dựng cơ chế cấp vốn tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình hỗ trợ tín dụng cho hộ nông dân nghèo trồng sắn. Cho phép các đơn vị đầu tư nhà máy sản xuất Ethanol được vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, góp phần giảm giá thành sản xuất Ethanol trong nước.
(Theo monre)

Tin liên quan