Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 21/2/2011 đoàn công tác kiểm tra liên ngành UBND tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra hiện trường rò rỉ nước qua thân đập chính công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Thủy điện Sông Tranh 2 là một trong những công trình thủy điện lớn nhất miền trung, có dung tích hồ chứa lên tới 730 triệu m3 (theo dung tích thiết kế). Đập chính thủy điện Sông Tranh 2 có chiều dài 640 m, cao trình đỉnh đập 180 m, đỉnh đập rộng 8 m, chiều rộng đáy đập là 75 m. Đây là một trong những công trình trọng điểm cấp quốc gia.
Liên tục trong những ngày gần đây, hiện tượng rò rĩ nước qua thân đập với lưu lượng khá lớn (theo báo cáo của BQL DA thủy điện 3 – Chủ đầu tư xây dựng công trình thì lưu lượng nước rò rỉ qua thân đập khoảng 30 l/s) chảy thành dòng, đặc biệt là hai bên thân đập tràn. Theo giải trình của BQL DA thủy điện 3, hiện tại không có vấn đề gì về an toàn đập, tuy nhiên việc này có vấn đề ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình. Vấn đề kỹ thuật sâu hơn chưa có điều kiện giải thích với nhân dân. Công trình được thiết kế với mức động đất cấp 7 (tương đương 5,9 độ richter). Động đất chưa ảnh hưởng tiêu cực đến công trình (kết quả thông qua thiết bị quan trắc tại các đầu dò senser). Hiện Viện vật lý địa cầu đang nghiên cứu về vấn đề này.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại hiện trường đập thủy điện Sông Tranh 2 cho thấy toàn bộ có 7 vệt nước chảy ra từ thân đập chính. Lưu lượng chảy qua hai bên cửa xả tràn và hai vai đập là khá lớn.
Cùng ngày, Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – thuộc Bộ Xây dựng đã có chuyến thị sát chất lượng công trình thủy điện Sông Tranh 2 và ban đầu đã kết luận sơ bộ về chất lượng công trình đồng thời đưa ra một số giải pháp khắc phục hiện tượng này: Hiện tại, đập chính thủy điện Sông Tranh 2 vẫn hoạt động ổn định. Các nguyên nhân gây rò rĩ nước qua thân đập chính là do sai xót trong quá trình thiết kế, thi công và vận hành công trình. Nguyên nhân chính là do thiếu đường ống thu nước trong đường hầm ở rãnh bên trái, phía hạ lưu, trong khi đó rãnh bên phải lại có. Các khe co giãn không có roan omega nên nước chảy ra ngoài. Thứ hai là do sự chậm trễ trong việc tìm nguyên nhân đọng nước trong đường hầm khắc phục hiện tượng rò rĩ nước ra bên ngoài thân đập...Các giải pháp chống rò rĩ nước ra bên ngoài thân đập cũng được đặt ra như: thông toàn bộ ống thoát nước trong thân đập bị tắc trong quá trình thi công và vận hành; hoàn thiện hệ thống rãnh thoát nước trong hành lang thân đập... nhằm đảm bảo tuổi thọ công trình và tính mạng nhân dân vùng hạ du.
Theo các chuyên gia đầu ngành thủy điện – thủy lợi, việc rò rĩ nước qua thân đập chính nếu không xử lý dứt điểm, chậm khắc phục, để kéo dài tình trạng này là hết sức nguy hiểm, khó lường về mức độ an toàn trong quá trình vận hành đập cũng như có thể gây thảm họa cho nhân dân vùng hạ du. Vì vậy, cần có tổ chức tư vấn độc lập khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tổng thể để có kết luận chính thức về mức độ ảnh hưởng đến an toàn đập đồng thời có những giải pháp giải quyết triệt để việc rò rỉ nước qua thân đập. Về lâu dài, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình sử dụng, vận hành công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 nhằm đảm bảo ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nhân dân vùng hạ du lưu vực sông Vu gia - Thu Bồn.
(Rích Đài Phôn)