Ngày 05/03/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo tổng kết, đánh giá hoạt động năm 2019 và đề xuất kế hoạch hoạt động năm 2020 của Ban Điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng. Thành phần tham dự gồm: Đồng chí Huỳnh Khánh Toàn - PCT UBND tỉnh Quảng Nam và Đồng chí Hồ Kỳ Minh - PCT UBND thành phố Đà Nẵng đồng chủ trì; Các thành viên Ban Điều phối của hai địa phương, các cơ quan, đơn vị và các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, quản lý vùng bờ; Các Công ty Cổ phần Thủy điện; Báo, đài của hai địa phương. Ngoài ra, còn có đại diện các đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Tổ chức IUCN.
Hội thảo đã bàn bạc, quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên lưu vực. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hai địa phương vừa trải qua năm 2019 với nhiều khó khăn, thách thức để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu. Tình hình thủy văn trên lưu vực trong năm 2019 diễn biết rất phức tạp, mực nước trung bình tháng hầu hết đều ở mức thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn sâu vào hạ lưu các sông với độ mặn rất cao. Đặc biệt trong mùa mưa lũ gần như không xuất hiện lũ, chỉ có một đợt lũ nhỏ vào tháng 10. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Trung Trung Bộ, nhiều khả năng, nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước và xâm nhập mặn sẽ diễn ra phức tạp hơn trong năm 2020. Đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cam kết phối hợp chặt chẽ với 02 địa phương để đảm bảo việc sử dụng nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện trên lưu vực tối ưu nhất, hiệu quả nhất, phù hợp với tình hình thủy văn hiện tại và đặc điểm tiêu thụ điện; có tính đến các tình huống mùa lũ năm 2020 về muộn hoặc không có lũ. Để ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã được cảnh báo sớm, ngay từ trước Tết Nguyên đán, 02 địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm lấy nước chủ động, giảm phụ thuộc vào việc xả nước của hồ thủy điện (nạo vét cửa lấy nước các trạm bơm, cống, kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến,...); chủ động tích trữ nước trong các hồ, để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn; đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt.
Do tác động của biến đổi khí hậu, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn. Vì vậy, các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ dân sinh và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phải được đặc biệt quan tâm cả về chất và lượng. Trong thời gian đến, các hoạt động phối hợp giữa 02 địa phương trong việc bảo vệ chất lượng các nguồn nước sông, đặc biệt là các nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cần phải được tăng cường.
Hồng My