Ngày 14/3/2019, tại Khách sạn Century, thành phố Huế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội Thừa Thiên Huế (CSRD) tổ chức Hội thảo giới thiệu mô hình bẫy rác để quản lý chất thải rắn trên sông của tỉnh Thừa Thiên Huế và cập nhật những kết quả chính của Dự án "Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm chất thải nhựa trong thành phố, trên sông và ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế". Tham dự Hội thảo ngoài đại diện các cơ quan ban ngành, các trường đại học, cao đẳng, các đơn vị xử lý rác thải của tỉnh Thừa Thiên Huế còn có đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Quảng Nam và Đà Nẵng.
Hội thảo được nghe bà Phạm Thị Diệu My – Giám đốc CSRD giới thiệu về một số kết quả đã đạt được của Dự án "Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm chất thải nhựa trong thành phố, trên sông và ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế". Đây là dự án viện trợ không hoàn lại của Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID), được triển khai từ tháng 8/2018 tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án đặt mục tiêu giảm 5% lượng rác thải rắn thải ra môi trường bằng cách thực hiện phân loại rác tại trường học, thúc đẩy mô hình 3RS, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân. Sau 6 tháng thực hiện phân loại rác, 6 trường học tham gia dự án đã thu gom được hơn 1.632kg rác tái chế và bán được gần 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị tham gia dự án đã tổ chức dọn sạch bãi biển, thu gom, tái chế rác thải nhựa...Trong khuôn khổ dự án, thông qua sự hướng dẫn của chuyên gia của Úc, CSRD đã tiến hành khảo sát thực tế và lựa chọn 6 điểm phù hợp để khuyến nghị đặt bẫy rác trên sông Hương.
Theo giới thiệu của chuyên gia Úc tại Hội thảo, mô hình bẫy rác nhằm thu gom rác thải trôi nổi trên sông, nhất là rác thải nhựa. Bẫy rác có nhiều dạng (cố định hoặc di động), có khóa an toàn chống trộm, có GPS, kích thước khác nhau (3-6 m2) tùy theo đặc điểm từng khu vực về lượng rác trên bề mặt, mực nước, tốc độ dòng chảy và mức ảnh hưởng của thủy triều,...Kinh phí mỗi bẫy rác từ 25-40 nghìn USD, có tuổi thọ sử dụng trên 15 năm. Ngoài ra còn có mô hình hàng rào nổi để bẫy rác có khối lượng lớn và phân tán rộng.
Sau khi nghe giới thiệu, các đại biểu tham gia thảo luận, tập trung chủ yếu các vấn đề về chi phí, kỹ thuật vận hành, bảo trì và cách thu gom rác thải sau khi bẫy, giám sát bẫy. Qua phân tích của chuyên gia Úc cho thấy mô hình bẫy rác này khá phù hợp để áp dụng tại các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Kim Chung