Nhìn lại công tác Quản lý Nhà nước về khoáng sản trong 12 năm qua

Quảng Nam nằm ở rìa phía Đông Bắc của khối nâng Kontum, tiếp giáp với đới uốn nếp Trường Sơn, có mặt các thành tạo địa chất từ Proterozoi sớm đến Đệ tứ

Quảng Nam nằm ở rìa phía Đông Bắc của khối nâng Kontum, tiếp giáp với đới uốn nếp Trường Sơn, có mặt các thành tạo địa chất từ Proterozoi sớm đến Đệ tứ. Các quá trình địa chất đã mang lại cho tỉnh nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng về chủng loại với 45 loại khoáng sản đã được phát hiện, trong đó khoáng sản có tiềm năng và giá trị là: Than đá, vàng, urani, đá vôi, felspat, cát trắng, titan, các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường,... Nhìn chung, phần lớn các loại khoáng sản phân bố phân tán, một số loại khoáng sản như: Vàng, thiếc, than đá phân bố chủ yếu ở khu vực trung du, miền núi, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn.

Copy of Kiểm tra khai thác vàng trái phép tại xã Phước Đức- huyện Phước SơnThời gian qua, đã có hàng trăm mỏ được đưa vào khai thác ở các quy mô khác nhau để cung cấp nguyên - nhiên - vật liệu cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Để phù hợp với sự phát triển của đất nước và thế giới, ngày 11/11/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT. Trên cơ sở đó, ngày 27/8/2003, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 95/2003/QĐ-UB về việc thành lập Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở sát nhập các cơ quan, đơn vị: Sở Địa chính, Phòng Quản lý Tài nguyên Khoáng sản (Sở Công nghiệp), Phòng Môi trường (Sở Khoa học Công nghệ); đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý khoáng sản là Phòng Khoáng sản.
Qua hơn 12 năm, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản của Sở TN&MT nói riêng và của tỉnh Quảng Nam nói chung đã đạt kết quả quan trọng:
- Ban hành kịp thời các văn bản nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản; hoàn thành công tác khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản vào năm 2009; các quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của tỉnh đã được xây dựng, điều chỉnh kịp thời theo sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các thay đổi của pháp luật về khoáng sản; tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
- Thẩm định, cấp, gia hạn, cho phép chuyển nhượng hoặc đề nghị Bộ TN&MT cấp, gia hạn, cho phép chuyển nhượng hơn 400 giấy phép thăm dò, khai thác các loại khoáng sản: Than đá, vàng, titan, urani, cát trắng, felspat, đá vôi, đá ốp lát; đất sét, đá, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường; đất san lấp, xây dựng công trình cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) trong và ngoài tỉnh.
Tỉnh luôn nhất quán chủ trương hạn chế, tiến đến chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô hoặc chỉ qua sơ chế, do đó từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nhà máy chế biến sâu các loại khoáng sản với quy mô từ trung bình đến lớn, công nghệ, thiết bị tiên tiến đã được đầu tư xây dựng như: Nhà máy chế biến titan của Công ty cổ phần khoáng sản Đất Quảng Chu Lai, Nhà máy kính nổi Chu Lai của Công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai - INDEVCO, Nhà máy tuyển luyện vàng của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu, Công ty TNHH vàng Phước Sơn, Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ của Công ty cổ phần Xuân Thành Group, Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai của Công ty cổ phần sản xuất Sô đa Chu Lai,...
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật về khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, thanh tra, kiểm tra sau cấp phép đã được tăng cường đáng kể.
Kết quả đạt được nêu trên đã giảm thiểu đáng kể tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, từng bước đưa công tác quản lý hoạt động khoáng sản đi vào nề nếp, đáp ứng một phần nhu cầu nguyên - nhiên - vật liệu cho việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động, ngăn chặn những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội - môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý hoạt động khoáng sản vẫn còn một số tồn tại như:
- Tình trạng chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong quá trình khai thác của các doanh nghiệp được cấp phép, khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra ở một số địa phương;
- Do điều kiện phân bố của khoáng sản như đã nêu trên dẫn đến số lượng mỏ đưa vào khai thác trong thời gian qua tương đối nhiều nhưng phần lớn là khai thác quy mô nhỏ và chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa với công nghệ khai thác, chế biến còn đơn giản, đầu tư còn manh mún nên hiệu quả hoạt động sản xuất thấp, ảnh hưởng đến môi trường,...;
- Tỷ lệ sử dụng lao động tại địa phương nơi có mỏ của một số doanh nghiệp còn thấp, nhất là khai thác vàng gốc.
Các tồn tại trong lĩnh vực khoáng sản và lĩnh vực khác liên quan dẫn đến chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị của nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh, còn gây tác động tiêu cực đến môi trường, dân cư, có lúc gây bức xúc trong nhân dân.
Do đó, để nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân nơi có khoáng sản được khai thác, các cấp, các ngành và từng cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản cũng như các công tác khác có liên quan cần phải thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và các chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nói riêng như: Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 13/4/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 08/11/2012 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 15/4/2011 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 08/11/2012 của Tỉnh ủy ban hành kèm theo Quyết định số 210/QĐ-UBND ngày 21/01/2013 của UBND tỉnh.

Trần Viết Linh

Tin liên quan