Ngày 13/4/2010, ông Nguyễn Ngọc Quang - PCT UBND tỉnh đã chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư để đánh giá toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành và hiệu quả triển khai thực hiện chương trình GĐLN cho cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh và bàn biện pháp triển khai thời gian đến.
 |
Ông Nguyễn Ngọc Quang - PCT UBND tỉnh - Chủ trì Hội nghị |
Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các ban, ngành liên quan trên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Sau khi Lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường báo cáo chung về đánh giá công tác giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh; ý kiến phát biểu của Lãnh đạo các ngành và các địa phương mà đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Kết luận Hội nghị ông Nguyễn Ngọc Quang - PCT UBND tỉnh chỉ đạo một số nội dung: Mục đích giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng là dựa vào cộng đồng để tăng cường năng lực quản lý và phát triển kinh tế từ rừng, đây là chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy nhằm xác định rừng có chủ, nâng cao trách nhiệm cho người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tạo điều kiện cho một số nơi phát triển kinh tế rừng, hạn chế chuyển đổi, cho thuê đất và phá rừng. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện đã phát sinh một số tồn tại, vướng mắc cụ thể: (1) Cộng đồng dân cư chỉ mới nhận quản lý bảo vệ rừng trên danh nghĩa, trong thực tế ranh giới giao đất lâm nghiệp chưa được xác định rõ ràng và cụ thể cho từng cộng đồng dân cư; (2) Một số nơi tình trạng khai thác rừng trái phép vẫn còn diễn ra ngày càng phức tạp; (3) Tổ quản lý bảo vệ rừng thôn được thành lập nhưng địa vị pháp lý không được rõ ràng, chưa được đầu tư đúng mức về trang thiết bị cũng như kinh phí để tổ duy trì các hoạt động tuần tra, kiểm soát thường xuyên; (4) Mô hình sản xuất nông lâm kết hợp chưa được hướng dẫn và triển khai mạnh ở các địa phương được giao đất cho cộng đồng; (5) Hồ sơ giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư thiếu các thông tin về quy hoạch 3 lọai rừng và trạng thái rừng nên lúng túng trong việc xác định để thực hiện phân phối nguồn lợi thu được từ rừng; (6) Cơ chế hưởng lợi trong công tác quản lý, bảo vệ rừng khó áp dụng và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; (7) Kinh phí quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế, gây áp lực cho ngân sách của tỉnh.
Để triển khai thực hiện chương trình GĐLN cho cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, UBND tỉnh giao cho các Sở thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Sở Tài nguyên & Môi trường tiếp tục lấy ý kiến của các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh hoàn chỉnh báo cáo chi tiết và đề xuất nội dung giải quyết về công tác giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư trong thời gian tới để báo cáo xin ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy.
- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: Nghiên cứu hoàn thiện các mô hình nông lâm kết hợp sát với thực tế của địa phương, tổ chức hướng dẫn đồng bào nơi có đất lâm nghiệp được giao để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; xây dựng đề án chuyên đề về công tác giao đất lâm nghiệp để tiếp tục triển khai chủ trương này theo các quy định của Nhà nước để báo cáo Tỉnh ủy và trình HĐND tỉnh thông qua và có Nghị quyết về vấn đề này, trong đó nêu rõ:
+ Nguồn kinh phí ngân sách đối với công tác giao đất, giao rừng; lồng ghép với các nguồn kinh phí khác như : Kinh phí từ Nghị quyết 30a, nguồn chia sẻ lợi ích từ rừng của các dự án đầu tư …
+ Thống nhất điều chỉnh, tổ chức lại quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp (quy hoạch 3 loại rừng) để giao cho từng đối tượng cụ thể.
+ Xử lý điều chỉnh các dự án cũ đã triển khai như : Xác định rõ lại vị trí ranh giới giao đất lâm nghiệp, xác định lại quy hoạch 3 loại rừng, trạng thái rừng, xác định lại chế độ hưởng lợi cho dễ áp dụng …
+ Làm mới nội dung giao đất theo hình thức tự nguyện, có nhu cầu thật sự gắn với phong tục, tập quán văn hóa của từng đối tượng được giao; + Nâng mức hỗ trợ để quản lý bảo vệ rừng (có thể 200.000đồng/ha/1năm).
V. Thiện