Ngày 21/11/2012, tại thành phố Tam Kỳ, Sở Ngoại vụ phối hợp với Catholic Relief Services (CRS) tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Lá chắn xanh: tăng cường khả năng ứng phó của cộng đồng ven biển trước những tác động của thiên tai”. Tham dự Hội thảo có đại diện Cơ quan hợp tác phát triển Mỹ (USAID). Về phía địa phương có Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện UBND các huyện và xã của Núi Thành và Thăng Bình. Ngoài ra, các cơ quan báo chí Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam và Báo Đất Việt tham dự và đưa tin.

Dự án được triển khai tại 6 xã thuộc huyện Núi Thành (xã Tam Anh Bắc, Tam Hoà và Tam Hải) và huyện Thăng Bình (Bình Nam, Bình Giang và Bình Triều). Thời gian thực hiện từ tháng 11năm 2012 hết tháng 9 năm 2014. Nguồn tài trợ từ CRS là 2.470.000.000 VND (Hai tỷ bốn trăm bảy mươi triệu đồng Việt Nam). Đóng góp từ địa phương là nhân lực, hiện vật, cơ sở vật chất để phục vụ các hoạt động dự án.
Mục đích chính của Lá chắn xanh là nhằm tăng cường khả năng ứng phó với các rủi ro thiên tai của các cộng đồng ven biển. Sáu mục tiêu cụ thể cũng được đặt ra. Thứ nhất, chính quyền địa phương và cộng đồng thực hiện các sáng kiến phòng tránh giảm nhẹ thiên tai (PTGNTT) dựa vào cộng đồng. Thứ nhì, các hộ gia đình dễ bị tổn thương ứng dụng các biện pháp phòng tránh nhằm bảo vệ sinh kế và tài sản trước tác động của thiên tai. Thứ ba, cộng đồng trong vùng dự án thực hiện các hoạt động ứng phó có hiệu quả khi có thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm. Thứ tư, cộng đồng và chính quyền địa phương trồng và quản lý rừng ngập mặn một cách hiệu quả. Thứ năm, các trường tiểu học thực hiện chương trình tích hợp PTGNTT phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thứ sáu, chính quyền địa phương tài liệu hóa quy trình thực hiện và nhân rộng tới các huyện khác.
Năm nhóm hoạt động chính sẽ được triển khai trong khuôn khổ của dự án. Những hoạt động này bao gồm nâng cao năng lực cộng đồng PTGNTT, cảnh báo sớm thiên tai, bảo vệ sinh kế cộng đồng, PTGNTT trong trường học, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Điểm sáng trong nhóm các hoạt động này là sự đánh giá cao và phát huy những sáng kiến, kiến thức cộng đồng trong PTGNTT tại địa phương. Trong nhóm các hoạt động này, việc trồng và bảo vệ rừng nhập mặn có cùng mục tiêu với hoạt động của dự án Tăng cường năng lực địa phương quản lý đất ngập nước (WAP) do Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện tại Cồn Si, thôn 6, xã Tam Hải, huyện Núi Thành. Thời gian tới, thiết nghĩ việc hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa dự án Lá chắn xanh và WAP hết sức cần thiết. Hai dự án hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao cho cộng đồng hưởng lợi thích ứng với rủi ro thiên tai.
DVA